Đoạt lấy Thiên Bình và Thái Ninh Hậu_Lương_Thái_Tổ

Sau khi chiếm được Cảm Hóa, Chu Toàn Trung tập trung vào việc đánh bại Chu Tuyên và Chu Cẩn. Ông tiến công Chu Tuyên vào năm 894, đánh bại liên quân Chu Tuyên và Chu Cẩn, giết một vạn quân đối phương. Khoảng thời gian này, sức mạnh của Lý Khắc Dụng bắt đầu suy yếu do phải tiêu tốn tài lực trong cuộc chiến với con nuôi là Lý Tồn Hiếu. Đồng thời, mối quan hệ giữa Chu Toàn Trung và Dương Hành Mật lại bắt đầu trở nên căng thẳng, sau khi chư hầu của Chu Toàn Trung là Trương Gián (張諫) quay sang chống lại Chu Toàn Trung và dâng Tứ châu[chú 27] cho Dương Hành Mật, Chu Toàn Trung sau đó bắt giữ một lô hàng chè lớn mà Dương Hành Mật cho đưa đến Biện châu để bán.[24]

Chu Toàn Trung sau đó lại gây thiệt hại lớn cho Chu Tuyên và Chu Cẩn, bất chấp việc Lý Khắc Dụng cho quân đến tiếp viện họ. Vào cuối năm 896, Chu Toàn Trung khiển Cát Tòng Chu bao vây Duyện châu (兗州)- thủ phủ của Thái Ninh quân, còn bản thân thì theo sau yểm trợ. Khi Chu Tuyên khiển binh sĩ Thiên Bình và Hà Đông đến giải vây, họ bị Chu Toàn Trung đánh bại. Chu Toàn Trung tuyên bố với các sĩ quan quân Thiên Bình và Hà Đông rằng ông đã bắt được Chu Cẩn, mục đích là khiến họ đầu hàng. Tuy nhiên, Chu Cẩn sau đó vờ đầu hàng, rồi tận dụng thời cơ để bắt và xử tử một người họ hàng từng đầu hàng quân Tuyên Vũ (Tề châu[chú 28] thứ sử Chu Quỳnh (朱瓊)). Chu Toàn Trung mất tinh thần và quyết định triệt thoái khỏi Duyện châu. Tuy nhiên, ông vẫn để Cát Tòng Chu đóng quân ở vùng lân cận nhằm theo dõi và gây thiệt hại cho Chu Cẩn.[26]

Vào cuối năm 895 và đầu năm 896, Lý Khắc Dụng cố gắng cử hai đợt tiếp viện lớn cho Chu Tuyên và Chu Cẩn, đợt đầu do Sử Nghiễm (史儼) và Lý Thừa Tự (李承嗣) chỉ huy, và đợt sau do con nuôi là Lý Tồn Tín (李存信) chỉ huy. Cả hai đợt quân tiếp viện đều đi qua Ngụy Bác, đợt đầu tiên đi qua suôn sẻ, song Lý Tồn Tín lại tiến hành cướp bóc của người dân Ngụy Bác khiến cho Ngụy Bác tiết độ sứ La Hoằng Tín tức giận. Hơn nữa, Chu Toàn Trung viết thư cho La Hoằng Tín và cảnh báo La Hoằng Tín rằng Lý Khắc Dụng có ý muốn chinh phục toàn bộ vùng lãnh thổ ở bờ bắc Hoàng Hà (Hà Bắc), bao gồm cả Ngụy Bác. Do vậy, La Hoằng Tín phục kích Lý Tồn Tín, gây tổn thất nặng nề cho quân Hà Đông và ngăn cản họ tiến đến Thiên Bình, sau đó La Hoằng Tín trở thành một đồng minh của Tuyên Vũ, đặc biệt là sau khi liên quân Ngụy Bác/Tuyên Vũ đẩy lùi một cuộc tiến công vào Ngụy Bác của Lý Khắc Dụng.[26]

Vào đầu năm 896, quân của Bàng Sư Cổ tiến đến thủ phủ Vận châu của Thiên Bình quân.[26] Vào mùa xuân năm 897, quân của Bàng Sư Cổ và Cát Tòng Chu cùng bao vây Vận châu, Chu Tuyên cùng phu nhân bị bắt khi đang chạy trốn, Chu Tuyên sau đó bị xử tử. Chu Cẩn bỏ Vận châu, chạy về Hoài Nam với Sử Nghiễm và Lý Thừa Tự, Chu Toàn Trung nay kiểm soát toàn bộ các lãnh thổ ở phía đông Tuyên Vũ, xa đến Đông Hải (khi đó Bình Lô của Vương Sư Phạm cũng trở thành một chư hầu). Tuy nhiên, tàn quân Thiên Bình/Thái Ninh/Hà Đông nay hợp nhất vào quân Hoài Nam, năng lực chiến đấu trên bộ của quân Hoài Nam được cải thiện lên nhiều trong các trận chiến sau đó với Chu Toàn Trung (trước đây quân Hoài Nam chỉ giỏi chiến đấu trên mặt nước). Thoạt đầu, Chu Toàn Trung đem phu nhân của Chu Cẩn (bị quân Tuyên Vũ bắt) làm tiểu thiếp của mình, song Trương phu nhân lại chỉ ra rằng đây là hành động hạ nhục phu nhân của Chu Cẩn, Chu Toàn Trung liền cho phu nhân của Chu Cẩn làm ni cô. Ông bổ nhiệm Cát Tòng Chu giữ chức Thái Ninh lưu hậu, bổ nhiệm Chu Hữu Dụ giữ chức Thiên Bình lưu hậu, còn Bàng Sư Cổ giữ chức Vũ Ninh lưu hậu (tức Cảm Hóa, đổi lại tên trước đó của quân này).[27]